Liên quan kit xét nghiệm của Công ty Việt Á: Cơ quan nào chịu trách nhiệm?

VHO- Ngay sau khi vụ việc người đứng đầu Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bị bắt giam vì hành vi nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, tiếp theo là thông tin chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận như công bố, dư luận đặt câu hỏi, kit xét nghiệm này có đảm bảo chất lượng, có ảnh hưởng đến việc bùng phát dịch và các cơ quan phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Liên quan kit xét nghiệm của Công ty Việt Á: Cơ quan nào chịu trách nhiệm? - Anh 1

 Kít xét nghiệm của Cty cổ phần Công nghệ Việt Á

 Không được WHO chấp nhận, có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm?

Ngay sau khi thông báo của WHO vào tháng 10.2020 liên quan đến kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được chia sẻ thì toàn bộ công bố của Công ty này về việc được WHO công nhận kit xét nghiệm Covid-19 được sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00 đã bị lật tẩy. Dư luận lo ngại rằng, vì không đảm bảo chất lượng, không được WHO công nhận sẽ tác động, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia công nghệ sinh học tại Đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM, quy trình cấp phép của WHO khác với quy trình tại Việt Nam, sản phẩm không được WHO công nhận không có nghĩa là sản phẩm kém chất lượng. Muốn khẳng định bộ kit có vấn đề hay không thì chính xác nhất phải đánh giá lại hoặc tổng hợp các số liệu lâm sàng đã có trong thời gian sau khi bộ kit được cấp phép. “Việt Nam có các tiêu chuẩn chất lượng và các sản phẩm đều phải trải qua quy trình đánh giá, có thể không kỹ đến như tiêu chuẩn quốc tế nhưng đó cũng là các chỉ tiêu đánh giá một sản phẩm có thể được sử dụng hay không. Không nên nhầm lẫn giữa việc nhập khẩu một sinh phẩm từ nước ngoài để lưu hành ở thị trường nội địa và cấp phép cho một sinh phẩm phát triển trong nước. Với sinh phẩm phát triển trong nước thì từ giai đoạn tiền lâm sàng khi nghiên cứu mới bắt đầu thì đã được kiểm soát, đánh giá, nếu sinh phẩm vượt qua các bước kiểm định trong nước là chấp nhận cho sinh phẩm lưu hành với các tiêu chí, quy chuẩn của Việt Nam”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, điều chắc chắn duy nhất biết được là Việt Á không đủ khả năng đảm bảo các tiêu chí chất lượng của WHO. Nhưng trong cùng thời gian đó việc Liên minh chung châu Âu cấp chứng chỉ chất lượng CE-IVD cho bộ kit của Công ty Việt Á lại là chính xác và đăng tải trên trang web. Với chứng nhận CE-IVD và giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS, bộ kit này đảm bảo các tiêu chuẩn của châu Âu và được phép bán trong các nước thuộc khối kinh tế châu Âu, trong đó có cả Anh. Trên thực tế trong quá trình phòng, chống dịch tại Việt Nam, đặc biệt tại Đà Nẵng thời điểm bùng dịch vào tháng 7.2020, bộ kit xét nghiệm đã phần nào chứng minh được hiệu quả, thể hiện bằng việc gộp mẫu đơn cho hàng chục nghìn hộ dân cho kết quả trong 14 ngày, thay vì 64 ngày thực hiện mẫu đơn, phát hiện được 1/5 tổng số bệnh nhân F0 và nhanh chóng giúp Đà Nẵng vượt qua đợt dịch.

Ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế ở đâu trong việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á gian dối về việc công nhận của WHO? “Bộ Y tế có trách nhiệm ở đây vì Công ty Việt Á đã dùng bằng chứng sai nhưng cơ quan này đã không được phát hiện ra bằng cớ ngụy tạo này mà còn hỗ trợ Việt Á về mặt truyền thông”, vị chuyên gia nói.

Không chỉ truyền thông mà tại nhiều cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế nhiều lần đề cập đến việc WHO công nhận bộ kit và có kế hoạch xuất khẩu đi nhiều nước. Hiện nay, nhiều bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và công nghệ liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á đã bị gỡ xuống. Đại diện Bộ Khoa học và công nghệ đã thừa nhận sơ suất vì chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á: “WHO mới chỉ “chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng” không phải “chấp thuận sử dụng”. Trong khi đó, đến nay Bộ Y tế vẫn im lặng.

Bên cạnh đó, không chỉ bị phản ánh về việc gian dối mà việc công khai giá của Công ty Việt Á cũng có nhiều khuất tất. Giá của Công ty Việt Á đưa ra là 470.000 đồng/kit, cao hơn nhiều so với sản phẩm khác, và sau gần 2 năm ra đời, giá này cũng không giảm so với thời điểm khan hiếm. Một trưởng phòng vật tư một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho hay, Việt Á đã “nhập nhèm” giá cung cấp sản phẩm bằng giá sản phẩm kèm với hỗ trợ nhân lực, vật tư tiêu hao. Vì vậy một số địa phương khi mua sản phẩm kit nhưng không cần hỗ trợ nhân lực cũng phải mua với giá 470.000 đồng/kit; địa phương nào được Việt Á cung cấp nhân lực, sinh phẩm cũng chỉ phải chi trả 470.000 đồng/kit.

Trước đó, ngày 19.12, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt bị bắt tạm giam do có hành vi nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC tỉnh Hải Dương) cũng bị bắt tạm giam vì vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận gần 30 tỉ đồng “hoa hồng” từ ông Phan Quốc Việt.

Từ khi ra đời vào đầu năm 2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. 

Đại diện Bộ Khoa học và công nghệ đã thừa nhận sơ suất vì chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á: “WHO mới chỉ “chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng” không phải “chấp thuận sử dụng”. Trong khi đó, đến nay Bộ Y tế vẫn im lặng.

 HOÀNG LINH

Ý kiến bạn đọc